Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 “Tiềm năng và khát vọng” (Lượt xem: 2715)

Trang chủ >> TIN TỨC >> Tin địa phương

Cập nhật: 08/10/2023

Sóc Trăng là tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với 72km đường bờ biển trải dài, là cửa ngõ ra biển Đông của vùng. Phát triển kinh tế biển và ven biển là lợi thế của tỉnh. Thế nhưng hơn 30 năm kể từ ngày tái lập, kinh tế biển của tỉnh Sóc Trăng vẫn chưa phát huy tương xứng với tiềm năng. Sóc Trăng khát vọng chuyển mình trong 10 và 20 năm tới để “đánh thức” tiềm năng”, khát vọng xây dựng chiến lược phát triển dài hạn, tạo ra những giá trị đột phá.

Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 “Tiềm năng và khát vọng”
Luồng tuyến đường thủy từ Cần Thơ đến Cảng biển nước sâu Trần Đề.

Và đúng như sự mong đợi của tỉnh Sóc Trăng, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 81 về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050. Cùng với đó là Nghị quyết số 13 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045 và Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Những quyết sách này đã mở ra cơ hội cho tỉnh Sóc Trăng.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

"Quy hoạch phải có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược. Đổi mới phải phù hợp với tình hình thực tiễn, tạo ra công ăn việc làm mới, con người mới, đi sau nhưng phải về trước. Có tầm nhìn chiến lược bền vững, dài hạn, có trọng tâm, trọng điểm, theo quy hoạch. Quy hoạch phải tìm ra cơ hội khác biệt, lợi thế cạnh tranh", đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Nhận thức được tầm quan trọng của việc lập quy hoạch, Sóc Trăng bắt tay ngay vào lập quy hoạch và định hình về một Sóc Trăng vào năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quá trình lập quy hoạch được thực hiện công phu nghiêm túc tuân thủ Luật Quy hoạch và các Quy định có liên quan. Quy trình được triển khai chặt chẽ, lấy ý kiến rộng rãi từ các cơ quan đơn vị, cộng đồng dân cư cho đến người dân và doanh nghiệp, được xây dựng trên nguyên tắc đảm bảo phù hợp với Quy hoạch tổng thể quốc gia, Quy hoạch ngành quốc gia, Quy hoạch vùng và phát huy tối đa tiềm năng phát triển của Sóc Trăng. 

Ngày 25/8/2023, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.  

Ông Trần Văn Lâu (đứng) - Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng tại buổi thẩm định Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng.

Quy hoạch hướng đến mục tiêu, năm 2030 Sóc Trăng sẽ là một trong những tỉnh phát triển khá của vùng Đồng bằng sông Cửu Long; có công nghiệp, thương mại, dịch vụ phát triển, nông nghiệp hiện đại và bền vững; hình thành Cảng biển ngoài khơi cửa Trần Đề. Đến năm 2050, Sóc Trăng trở thành khu vực phát triển động lực của vùng Đồng bằng sông Cửu Long gắn với phát triển cảng biển Trần Đề, là tỉnh có kinh tế phát triển khá của cả nước.

Kiến tạo lộ trình này, Sóc Trăng định hướng không gian phát triển của tỉnh theo 4 vùng. Vùng ven biển bao gồm thành phố Sóc Trăng, thị xã Vĩnh Châu và huyện Trần Đề, trong đó, thành phố Sóc Trăng là trung tâm vùng. Vùng này đóng vai trò là động lực phát triển của tỉnh, khai thác hiệu quả các điều kiện về kinh tế biển, tạo sự dẫn dắt và bổ trợ cho sự phát triển đối với các vùng còn lại với động lực phát triển mới là Cảng biển Trần Đề.

Mô hình Cảng biển biển nước sâu Trần Đề.  

Vùng ven sông Hậu gồm huyện Châu Thành, Kế Sách và Long Phú. Vùng này khai thác tối đa các lợi thế về điều kiện phát triển công nghiệp, nông nghiệp hiệu quả cao, là khu vực dự trữ nước ngọt của tỉnh; đóng vai trò bổ trợ chặt chẽ đối với vùng ven biển và vùng Cù Lao Dung.

Vùng nội địa gồm thị xã Ngã Năm, huyện Thạnh Trị, Mỹ Tú và Mỹ Xuyên. Vùng này phát huy các lợi thế về phát triển nông nghiệp, thương mại, dịch vụ gắn với trục quốc lộ 1 và Quản lộ Phụng Hiệp.

Vùng Cù Lao Dung là khu vực dự trữ cho phát triển. Đây là vùng du lịch trọng điểm của tỉnh với tầm nhìn sẽ trở thành điểm đến, điểm dừng chân, điểm nghỉ dưỡng nổi tiếng của vùng.

Để kết nối không gian phát triển theo hướng liên kết 4 vùng, Sóc Trăng xác định 2 hành lang kinh tế quan trọng.

Hành lang kinh tế Bắc - Nam gồm các tuyến. Quốc lộ 1 kết nối Thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ - Sóc Trăng - Cà Mau. Quản lộ Phụng Hiệp kết nối Cần Thơ - Sóc Trăng - Cà Mau. Quốc lộ 91B kết nối Cần Thơ - Sóc Trăng thu gom nguyên liệu cho công nghiệp chế biến, mở rộng cửa ngõ vùng cho bến Cảng Trần Đề. Tuyến đường bộ ven biển kết nối Sóc Trăng - Bạc Liêu. Quốc lộ 60 kết nối Ngã Năm - Thạnh Trị - Mỹ Tú - Châu Thành - thành phố Sóc Trăng - Long Phú và tỉnh Trà Vinh.

Hành lang kinh tế Đông - Tây gồm các tuyến: Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng kết nối Cảng biển nước sâu Trần Đề với các tỉnh phía Tây vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Vương quốc Campuchia. Dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Sóc Trăng - Cần Thơ giai đoạn 1 có tổng chiều dài 188,2 km. Tổng mức đầu tư dự án lên đến khoảng 44.691 tỷ đồng, trong đó đoạn đi qua địa bàn tỉnh Sóc Trăng có tổng chiều dài 56,9km với tổng mức đầu tư khoảng 11.120 tỷ đồng và đây cũng là dự án có tổng mức đầu tư lớn nhất kể từ ngày Sóc Trăng tái lập năm 1992 cho đến nay. Cao tốc này sẽ tạo nên hành lang kinh tế quan trọng tạo động lực đưa tỉnh phát triển. Song song với tuyến cao tốc này, Sóc Trăng cũng đã khởi công đường trục phát triển kinh tế Đông Tây kết nối thị xã Ngã Năm - huyện Thạnh Trị - huyện Mỹ Xuyên và thị xã Vĩnh Châu với tổng mức đầu tư lên đến 2.000 tỷ đồng. Ngoài ra đường tỉnh 934B là một trong những trục động lực phát triển của tỉnh, kết nối thành phố Sóc Trăng với huyện Trần Đề.         

    

Bên cạnh lợi thế về đường bộ, Sóc Trăng còn có lợi thế về đường thủy. Luồng hàng hải Định An - Cần Thơ, luồng hàng hải sông Hậu - Campuchia, tuyến Sài Gòn - Cà Mau, tuyến Cần Thơ - Cà Mau sẽ tạo kết nối liên hoàn giữa các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh Sóc Trăng, với các tỉnh trong vùng, khai thác hiệu quả lợi thế vị trí chiến lược ven biển và hạ tầng giao thông kết nối liên vùng để xây dựng tỉnh Sóc Trăng trở thành cửa ngõ chính ra biển Đông của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Sóc Trăng sẽ là trung tâm đầu mối của vùng về nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, logistics mà trọng tâm là Cảng biển ngoài khơi cửa Trần Đề.

Sóc Trăng xác định 3 đột phá đưa tỉnh chuyển mình mạnh mẽ trong thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đó là đột phá trong huy động nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, đột phá trong cải cách hành chính cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và đột phá trong phát triển nguồn nhân lực.

Trong đó, hạ tầng giao thông được Sóc Trăng xem là đột phá quan trọng là động lực kết nối với các tỉnh thành trong vùng. Sóc Trăng thể hiện khát vọng chuyển mình từ kinh tế biển trong giai đoạn đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 mà Cảng biển Trần Đề - một trong những cảng biển lớn của Đồng bằng sông Cửu Long, là mơ ước là “bệ phóng” giúp tỉnh hiện thực hóa khát vọng chuyển mình. Nghị quyết số 13 của Bộ Chính trị xác định đến năm 2030 hoàn thành hệ thống cảng biển theo quy hoạch, trong đó cảng Trần Đề phát triển thành cảng đặc biệt và cửa ngõ của vùng. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để tỉnh Sóc Trăng thu hút đầu tư đưa khu vực này trở thành trung tâm đầu mối về nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, logistics của vùng.

Để đáp ứng định hướng phát triển, Sóc Trăng xác định trong các giải pháp đặt ra thì phát triển nguồn nhân lực được xem là đột phá quan trọng. Trong đó chú trọng phát triển nguồn nhân lực gắn với ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, đặc biệt nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển các ngành tiềm năng tạo bước đột phá phát triển như năng lượng, du lịch, cảng biển, logistics, đô thị, dịch vụ, chuyển đổi số và ngành nông nghiệp, thủy sản, chế biến thủy sản.

Vươn khơi chính là chiến lược phát triển của Sóc Trăng. Theo đó, Sóc Trăng định hướng phát triển 10 Khu Công nghiệp trên 4.000 ha và 18 Cụm Công nghiệp gần 1.000 ha để thu hút công nghiệp chế biến, chế tạo và phát triển hai ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Đa dạng hóa các ngành công nghiệp; đồng thời, phát triển công nghiệp năng lượng thân thiện với môi trường và các ngành công nghiệp gắn với kinh tế biển.

Để tạo động lực cho công nghiệp và khai thác tối đa lợi thế của vùng đất ven biển, Sóc Trăng nghiên cứu phát triển thành lập khu kinh tế ven biển Trần Đề dọc theo cửa biển Trần Đề và vùng ven biển của tỉnh, quy mô dự kiến khoảng 40.000 ha. Khu kinh tế này phát triển theo hướng tổng hợp, đa ngành, đa chức năng, nhằm khai thác, phát huy đồng bộ, hiệu quả Cảng biển nước sâu Trần Đề. Để hỗ trợ cho việc phát triển các ngành công nghiệp chế biến, tỉnh Quy hoạch xác định nông nghiệp là nguồn cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến và cho xuất khẩu, đồng thời đảm bảo an ninh lương thực địa phương. Nông nghiệp phát triển theo hướng xanh, bền vững, đáp ứng các yêu cầu thị trường trong và ngoài nước. Dần hình thành các vùng chuyên canh sản phẩm nông nghiệp thế mạnh của tỉnh, thương hiệu nông sản chủ lực của tỉnh được xây dựng và định vị, trong đó chú trọng nuôi trồng thuỷ sản nước lợ, cây ăn trái, lúa đặc sản, chăn nuôi bò.

Cảng Trần Đề.

Thương mại, dịch vụ sẽ được tập trung phát triển theo hướng bổ trợ cho phát triển kinh tế biển. Phát triển hạ tầng thương mại, ưu tiên các hạ tầng thương mại có tính lan toả, có tác động mạnh mẽ đến hỗ trợ sản xuất lưu thông. Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng với các sản phẩm du lịch chủ lực và sản phẩm du lịch bổ sung, dựa trên tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.

Các đô thị Sóc Trăng sẽ phát triển song hành với kinh tế - xã hội và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh, trong đó thành phố Sóc Trăng, thị xã Vĩnh Châu, thị xã Ngã Năm và huyện Trần Đề đóng vai trò là vùng đô thị chính của tỉnh Sóc Trăng, tạo nên chuỗi đô thị ven biển. Phấn đấu đến năm 2030 xây dựng thành phố Sóc Trăng trở thành đô thị loại I. Đến năm 2050 nâng cấp thị xã Vĩnh Châu trở thành đô thị loại II, thị xã Ngã Năm và huyện Trần Đề trở thành đô thị loại III để đáp ứng nhu cầu phát triển Khu kinh tế ven biển Trần Đề.

Đua ghe Ngo trên sông Maspero thành phố Sóc Trăng.

Sóc Trăng là vùng đất mang đậm nét di sản văn hóa của cộng đồng dân tộc Kinh - Khmer - Hoa cộng cư lâu đời. Kế thừa và phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của văn hoá dân tộc gắn với bảo tồn là nhiệm vụ trọng tâm để văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển. Song song đó, Sóc Trăng chú trọng công tác chăm lo sức khỏe nhân dân cả về thể chất và tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ, chất lượng sống. Đồng thời triển khai đầy đủ, kịp thời các chính sách an sinh xã hội, trong đó chú trọng công tác chăm lo nhà ở cho hộ nghèo, quan tâm đến các chính sách về dân tộc, tôn giáo; các chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.

Sự phát triển của Sóc Trăng gắn với các yếu tố bảo vệ môi trường, đảm bảo quốc phòng - an ninh và trật tự, an toàn xã hội. Với đích đến của Sóc Trăng là làm sao để người dân của tỉnh có được cuộc sống phồn vinh, văn minh và hạnh phúc.

Điện gió Sóc Trăng.

Với các lộ trình kiến tạo tương lai phát triển thông qua Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tạo ra một khí thế mới và khẳng định khát vọng tầm nhìn của Sóc Trăng sẽ trở thành hạt nhân quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của vùng; trở thành một tỉnh phát triển khá ở Đồng bằng sông Cửu Long, đời sống nhân dân được nâng cao, các giá trị văn hóa được bảo tồn, là điểm đến hấp dẫn trong khu vực và cả nước. Với tiềm năng, khát vọng và Quy hoạch tỉnh, Sóc Trăng sẵn sàng vươn khơi./.

Kim Sang, Văn Đại, Trọng Phước, Lâm Huy


QUẢNG CÁO
     

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP - ĐÀI PT & TH SÓC TRĂNG.

Giám đốc: Nguyễn Văn Bốn.

Giấy phép số: 287/GP-TTĐT cấp ngày 22/12/2016.

Địa chỉ: 132 Trần Văn Bảy, Phường 3, TP Sóc Trăng.

Điện thoại: 0299 3822598 - Fax: 0299 3825876.

® Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

Ghi rõ nguồn THST.vn khi phát hành lại thông tin từ website này.




Phát triển bởi: Phòng Kỹ thuật Đài PT & TH Sóc Trăng.
Soc trang - truyen hinh soc trang - dai th soc trang - dai truyen hinh soc trang - th soc trang - Soc trang TV - thoi su soc trang - THST - truyen hinh - soc trang online